Cổng thông tin điện tử

CÔNG AN TỈNH HÀ TĨNH

Đừng để trở thành nỗi ân hận muộn màng…

Để đảm bảo ANTT, TTATGT, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã và đang triển khai nhiều biện pháp, giữ bình yên trên những tuyến đường, cuộc sống hạnh phúc cho Nhân dân. Các tổ công tác đặc biệt như 256, 238 được thành lập, tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nhiều trường hợp vi phạm. Điều đáng báo động, trong số các trường hợp vi phạm phần lớn là thanh, thiếu niên với các hành vi phổ biến là lạng lách, đánh võng, phóng nhanh, vượt ấu, vi phạm nồng độ cồn, thông chốt, chống người thi hành công vụ, tự gây tai nạn, gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc…



Vụ tai nạn do anh T.V.V tự gây ra

Thực trạng đáng báo động

Không chấp hành hiệu lệnh của tổ công tác, điều khiển xe máy lạng lách đánh võng, thông chốt, khoảng 21h30, ngày 4/7/2023, tại km 19 đường QL 8A; thuộc địa phận thôn Đông Xá, xã Hoà Lạc, huyện Đức Thọ, xảy ra vụ TNGT do anh T.V.V (SN 2001, thường trú xã Sơn Trà, huyện Hương Sơn)  tự gây ra. Hậu quả  xe mô tô 38H1-347.XX  hư hỏng, anh T.V.V bị thương nặng; được người dân đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đức Thọ, sau đó chuyển lên tuyến trên. Được biết, anh V điều khiển xe mô tô nói trên đi một mình trên đường QL 8A theo hướng Hương Sơn - Đức Thọ, vi phạm nồng độ cồn.

Võ Quốc Tuấn tại cơ quan điều tra

Trước đó, cũng với hành vi đi với tốc độ cao, không đội mũ bảo hiểm, tông CSGT bị thương, ngày 4/7/2023, Võ Quốc Tuấn (SN 2002, trú tại thôn Đại An, xã An Dũng, huyện Đức Thọ) đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đức Thọ ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt tạm giam về tội “Chống người thi hành công vụ”.

Đây chỉ là 2 vụ trong số nhiều vụ việc vi phạm trật tự an toàn giao thông với nhiều hành vi đáng lên án, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Các hành vi này còn tạo ra những tiền lệ xấu khiến người tham gia giao thông coi thường pháp luật.
Nguyên nhân xảy ra việc không chấp hành yêu cầu kiểm tra, chống người thi hành công vụ là do ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông còn hạn chế, khi vi phạm tìm mọi cách trốn tránh, không hợp tác, cản trở, thậm chí chống đối lực lượng 238 nói riêng và lực lượng thực thi công vụ nói chung. Chưa kể một bộ phận thanh niên có tính côn đồ hoặc do đã sử dụng rượu, bia trước đó nên không kiểm soát được hành vi.

Theo đánh giá của lực lượng chức năng:  Những sự việc trên cho thấy, tình trạng đối tượng vi phạm giao thông khi bị lực lượng chức năng ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra nhưng không những không tuân thủ còn tăng ga đâm thẳng vào người thực thi nhiệm vụ đang diễn ra nhiều. Hành động này không chỉ thể hiện sự liều lĩnh, chống đối, coi thường pháp luật mà còn gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của người khác nên cần bị xử lý nghiêm khắc. Ngoài ra, với hành vi, thông chốt, đi với tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, vi phạm nồng độ cồn, tự gây tai nạn như anh V, phải điều trị tại bệnh viện là điều đáng tiếc và những hệ lụy khôn lường.

Để không còn những nỗi đau …

Đã có rất nhiều chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch của cấp trên và địa phương về tăng cường các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông và kéo giảm tai nạn giao thông nhưng kết quả vẫn chưa như mong đợi. Ngoài những nguyên nhân khách quan thì nguyên nhân chính vẫn do ý thức của người điều khiển phương tiện. Người tham gia giao thông phóng nhanh, vượt ẩu, đi sai làn đường, phần đường, lạng lách, đánh võng, qua đường không quan sát, không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, uống rượu, bia điều khiển phương tiện... là những lỗi vi phạm phổ biến của người tham gia giao thông hiện nay, nhất là với đối tượng thanh, thiếu niên. Thực tế cho thấy, các lực lượng chức năng đã xử lý rất nhiều trường hợp vi phạm  Luật, với hàng nghìn lượt vi phạm mỗi năm, song “đâu lại vào đấy”. Điều đó cho thấy ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông còn quá kém, thậm chí coi thường pháp luật.


Vụ tai nạn do anh T.V.V tự gây ra

Tai nạn giao thông luôn đè nặng người ở lại, không chỉ bản thân họ, gia đình, người thân của họ chịu mất mát, thiệt thòi mà cả xã hội cũng đau cùng nỗi đau chung. Đằng sau mỗi vụ tai nạn giao thông là cảnh ngộ thương tâm của gia đình không gì xóa tan và bù đắp được… Sau tai nạn là những ám ảnh, dằn vặt về tinh thần. Trong tận cùng sự đớn đau, đã có rất nhiều người phải hối hận: “giá như lúc đó tôi bình tĩnh hơn”, “giá như tôi không uống rượu bia trước khi lái xe”, “giá như tôi chấp hành pháp luật”... vì thực tế có người đã “nhanh một phút để chậm cả đời”.
Những câu khẩu hiệu: “Phía trước tay lái là sự sống”; “Hãy lái xe bằng cả trái tim”; “Nói không với rượu bia trước khi lái xe”; “Hãy đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, gắn máy”; “An toàn mọi lúc, hạnh phúc mọi nơi”… đều là những lời kêu gọi tha thiết, gần gũi và rất dễ thực hiện với tất cả mọi người. Những lời kêu gọi ấy không ở đâu xa, mà ở ngay trong mỗi trái tim tình cảm, có trách nhiệm trước an toàn tính mạng của chính mình và người khác. Lời kêu gọi ấy muốn nhắn nhủ với tất cả mọi người trước khi tham gia giao thông một điều: Hãy nghĩ đến sự an toàn của mình, nghĩ đến sự mong đợi của người thân trong gia đình, anh em, bè bạn và sự an toàn của những người đồng hành khác.
Vì hạnh phúc của mỗi người, chúng ta hãy cùng nhau ngăn chặn, đẩy lùi tai nạn giao thông và tạo ý thức văn hóa khi tham gia giao thông. Không để những điều đáng tiếc xảy ra...

 

Diệp Diệp