Cổng thông tin điện tử

CÔNG AN TỈNH HÀ TĨNH

Tháo gỡ vướng mắc trong công tác phòng cháy chữa cháy

Thực hiện Công điện số 220/CĐ-TTg ngày 05/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ và văn bản số 23/ĐK:HT ngày 9/4/2023 của Bộ Công an về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy, Công an Hà Tĩnh đã thành lập các Tổ công tác trực tiếp làm việc, kiểm tra, hướng dẫn các công trình còn tồn tại về PCCC, chỉ đạo cụ thể, chi tiết các giải pháp xử lý dứt điểm những vi phạm về PCCC. Để cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân thực hiện, phục vụ có hiệu quả hoạt động đầu tư xây dựng, sản xuất, kinh doanh, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH trả lời một số vấn đề liên quan đến tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm phục vụ có hiệu quả hoạt động đầu tư xây dựng, sản xuất, kinh doanh.

1. PV: Thưa ông, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - Công an tỉnh sẽ triển khai những công việc gì để tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong công tác PCCC và CNCH?
Thượng tá Võ Đăng Khoa: Từ khi Bộ Công an triển khai Kế hoạch Tổng rà soát, kiểm tra an toàn về PCCC trên toàn quốc, công an tỉnh đã triển khai kiểm tra, hướng dẫn cơ sở các biện pháp khắc phục những tồn tại, vi phạm, ban hành các biện pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho cơ sở với tinh thần tuân thủ theo các quy định của pháp luật về PCCC tại thời điểm cơ sở đi vào hoạt động, Công an tỉnh đã tổ chức Hội nghị trực tiếp để giải đáp khó khăn, vướng mắc. Trong quá trình thực hiện, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã thành lập các đoàn kiểm tra, phúc tra, hướng dẫn, khảo sát thực tế cơ sở, đưa ra các giải pháp cụ thể để cơ sở khắc phục theo đúng yêu cầu.
2. PV: Thưa ông, về yêu cầu đối với các thành phần hồ sơ thẩm duyệt thiết kế về PCCC thực hiện như thế nào?
Thượng tá Võ Đăng Khoa: Đối với thành phần pháp lý của dự án, công trình (chứng nhận quyền sử dụng đất, văn bản chứng minh quyền sử dụng đất hợp pháp, quyết định chủ trương đầu tư, văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, văn bản thẩm định thiết kế của cơ quan chuyên môn về xây dựng,…) tại hồ sơ đề nghị thẩm duyệt chỉ phục vụ kiểm tra thành phần hồ sơ và pháp lý của chủ đầu tư, nội dung để thẩm duyệt thiết kế về PCCC chỉ bao gồm các nội dung về kỹ thuật quy định tại khoản 5 Điều 13 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP, không yêu cầu xem xét các nội dung khác. Tuy nhiên, khi phát hiện có sự sai khác cần kịp thời trao đổi, thông tin đến cơ quan có thẩm quyền (UBND các cấp, Sở Tài nguyên môi trường, Sở Xây dựng,…) để có biện pháp xử lý theo quy định về quản lý đất đai, quy hoạch và cấp phép xây dựng.
3. PV: Thưa ông, về yêu cầu đối với nghiệm thu về PCCC thì nghiệm thu từng phần thực hiện như thế nào?
Thượng tá Võ Đăng Khoa: Để hỗ trợ, tạo điều kiện cho chủ đầu tư sớm nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng phù hợp với tiến độ, giai đoạn đầu tư, cần hướng dẫn chủ đầu tư các giải pháp, yêu cầu để được nghiệm thu từng phần theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP theo nguyên tắc hạng mục công trình nghiệm thu phải bảo đảm đầy đủ các yêu cầu về PCCC theo nội dung đã được thẩm duyệt thiết kế và có thể hoạt động độc lập, không bị ảnh hưởng bởi các hạng mục công trình đang tiếp tục thi công, đảm bảo trên cơ sở phù hợp với quy định về nghiệm thu hạng mục công trình theo Nghị định số 06/2021/NĐ-CP về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng.
Việc bảo đảm tính độc lập của nhà dân dụng (cao tầng, công nghiệp) cần đánh giá đầy đủ các giải pháp an toàn PCCC bao gồm giao thông cho xe chữa cháy, khoảng cách an toàn PCCC, giải pháp về kết cấu, lối thoát nạn, giải pháp ngăn cháy, các hệ thống PCCC và các hệ thống kỹ thuật khác có liên quan và không bị ảnh hưởng bởi việc thi công, hoàn thiện của hạng mục khác, khu vực chưa nghiệm thu và khu vực đang thi công phải ngăn cách, tách biệt bảo đảm khả năng hoạt động bằng các giải pháp ngăn cháy lan, đường ống cấp nước chữa cháy, loop báo cháy, lối thoát nạn… Ví dụ với nhà cao tầng có thể nghiệm thu trừ khu vực khối đế khi xác định được khu vực này bảo đảm được ngăn cháy với khu vực xung quanh, cách ly được hệ thống báo cháy, chữa cháy, hút khói giữa khu vực được nghiệm thu và khu vực khối đế, các hệ thống bảo vệ chống cháy (phòng trực điều khiển chống cháy, sảnh tòa nhà, lối ra thoát nạn trực tiếp ra bên ngoài tại tầng 1, trạm bơm, trạm biến áp, máy phát điện bảo đảm khả năng hoạt động tách biệt với khu vực nghiệm thu); Trong 1 nhà xưởng 3 tầng kết cấu cột, sàn bê tông, tầng trên cùng mái thép có thể nghiệm thu tầng 1, tầng 2 trừ tầng 3 khi bảo đảm tính độc lập về kết cấu (tầng 1, 2 vẫn bảo đảm bậc chịu lửa bậc I, II), thang bộ thoát nạn có thể lên mái, hệ thống bảo vệ chống cháy độc lập tương tự như nhà cao tầng…
Đối với hạ tầng khu công nghiệp có thể nghiệm thu từng phần khi bảo đảm khu vực hạ tầng được nghiệm thu hoạt động độc lập (đường giao thông cho xe chữa cháy tiếp cận, hệ thống cấp nước ngoài nhà bảo đảm lưu lượng, đấu nối mạch vòng, trang bị xe chữa cháy đối với khu có quy mô từ 50 ha trở lên).
4. PV: Thưa ông, đối với các cơ sở còn tồn tại, vi phạm không thuộc diện phải tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đã được cơ quan quản lý nhà nước về PCCC kiến nghị khắc phục theo Kế hoạch số 513/KH-BCA-C07 sẽ thực hiện như thế nào?
Thượng tá Võ Đăng Khoa: Việc cơ sở sửa chữa, khắc phục các tồn tại, vi phạm về PCCC và CNCH để phù hợp với thiết kế và bảo đảm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn tại thời điểm cơ sở được đưa vào hoạt động (đối với cơ sở thuộc diện thẩm duyệt thiết kế về PCCC phải phù hợp với bản vẽ thiết kế đã được thẩm duyệt; đối với cơ sở không thuộc diện thẩm duyệt về PCCC phải đảm bảo theo tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC tương ứng) thì không xem xét là cải tạo để thực hiện thẩm duyệt theo Điều 13 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP và không yêu cầu áp dụng QCVN 06:2022/BXD. Cụ thể: Hướng dẫn phương án, giải pháp và thống nhất thời gian khắc phục các tồn tại, vi phạm về PCCC. Yêu cầu cơ sở có văn bản cam kết thời hạn hoàn thành và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn PCCC và CNCH khi hoạt động trong suốt thời gian khắc phục. Lưu ý:
+ Đối với những tồn tại, vi phạm về trang bị phương tiện, thiết bị PCCC: Có phương án trang bị bổ sung các phương tiện, thiết bị chữa cháy di động; tăng cường lực lượng thường trực 24/24 giờ và thường xuyên tự kiểm tra an toàn về PCCC và CNCH, thực hiện nghiêm túc công tác quản lý, sử dụng hệ thống, thiết bị điện, nguồn lửa, nguồn nhiệt thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt để loại trừ nguy cơ xảy ra cháy, nổ.
+ Đối với tồn tại, vi phạm liên quan đến ngăn cháy lan: Có phương án bố trí, sắp xếp dây chuyền công nghệ, phương tiện, thiết bị, vật tư, hàng hóa nhằm tăng khoảng cách PCCC giữa các khu vực, công năng khác nhau.
+ Đối với tồn tại, vi phạm liên quan đến thoát nạn: Có phương án điều chỉnh về số lượng người thường xuyên làm việc tại các khu vực trên để đáp ứng về số lượng người tối đa trên 1m chiều rộng của lối thoát nạn theo quy định. Tổ chức tập huấn về kiến thức, kỹ năng sử dụng phương tiện chữa cháy, thoát nạn cho CBCNV làm việc tại cơ sở
- Sau khi cơ sở khắc phục xong, chủ cơ sở có văn bản báo cáo (kèm hồ sơ, bản vẽ thiết kế, bản vẽ hoàn công, tài liệu liên quan đến việc sửa chữa, khắc phục các tồn tại, vi phạm) gửi đến cơ quan quản lý trực tiếp cơ sở để kiểm tra xác nhận kết quả khắc phục của cơ sở.
5. PV: Thưa ông, đối với các cơ sở đang bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động sẽ thực hiện khắc phục như thế nào?
Thượng tá Võ Đăng Khoa: Đối với trường hợp thuộc điểm a, điểm b Khoản 1 Điều 17 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP: Hướng dẫn cơ sở thực hiện các biện pháp, phương án nhằm loại trừ nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ, khắc phục vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy.
- Đối với trường hợp thuộc điểm c Khoản 1 Điều 17 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP: Hướng dẫn cơ sở hoàn trả lại mặt bằng theo đúng thiết kế đã được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC hoặc thực hiện thủ tục thẩm duyệt thiết kế đối với nội dung cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng và nghiệm thu về PCCC theo quy định của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP.
6. PV: Thưa ông, đối với các cơ sở đã được thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC và đến nay không thuộc đối tượng thẩm duyệt theo quy định tại Phụ lục V của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP sẽ thực hiện khắc phục như thế nào?
Thượng tá Võ Đăng Khoa: Đối với cơ sở đã được thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC và đến nay không thuộc đối tượng thẩm duyệt theo quy định tại Phụ lục V của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP khi sửa chữa, khắc phục các tồn tại theo kiến nghị của cơ quan Công an để duy trì bảo đảm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn tương ứng tại thời điểm cơ sở được thẩm duyệt, đưa vào hoạt động thì chủ cơ sở tổ chức khắc phục ngay và không yêu cầu thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC. Sau khi khắc phục xong cần báo cáo cơ quan Công an để kiểm tra kết quả khắc phục của cơ sở.
7. PV: Thưa ông, đối với các cơ sở không thuộc đối tượng thẩm duyệt theo quy định tại Phụ lục V của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP sẽ thực hiện khắc phục như thế nào?
Thượng tá Võ Đăng Khoa: Đối với cơ sở không thuộc đối tượng thẩm duyệt của Nghị định số 35/2003/NĐ-CP, Nghị định số 46/2012/NĐ-CP, Nghị định số 79/2014/NĐ-CP và Nghị định số 136/2020/NĐ-CP thì chủ cơ sở sửa chữa, khắc phục các tồn tại theo kiến nghị của cơ quan Công an để duy trì bảo đảm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn tương ứng tại thời điểm cơ sở đưa vào hoạt động. Sau khi khắc phục xong cần báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về PCCC theo thẩm quyền để kiểm tra kết quả khắc phục của cơ sở.
8. PV: Thưa ông, đối với cơ sở có tồn tại, vi phạm khó có khả năng khắc phục được theo tiêu chuẩn, quy chuẩn tại thời điểm cơ sở được thẩm duyệt thiết kế về PCCC, đưa vào hoạt động sẽ thực hiện khắc phục như thế nào?
Thượng tá Võ Đăng Khoa: Đối với cơ sở có tồn tại, vi phạm khó có khả năng khắc phục được theo tiêu chuẩn, quy chuẩn tại thời điểm cơ sở được thẩm duyệt thiết kế về PCCC, đưa vào hoạt động thì hướng dẫn cơ sở áp dụng các quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo hướng có lợi cho cơ sở để sửa chữa, khắc phục các tồn tại, vi phạm về PCCC và CNCH. Sau khi cơ sở khắc phục xong, chủ cơ sở có văn bản báo cáo (kèm hồ sơ, bản vẽ thiết kế, bản vẽ hoàn công, tài liệu liên quan đến việc sửa chữa, khắc phục các tồn tại, vi phạm) gửi đến cơ quan quản lý trực tiếp cơ sở để kiểm tra xác nhận kết quả khắc phục của cơ sở.
9. PV: Thưa ông, đối với các cơ sở cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng của cơ sở, hạng mục trong cơ sở (thuộc diện thẩm duyệt theo quy định tại Phụ lục V của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP) ảnh hưởng đến một trong các yêu cầu an toàn PCCC quy định tại điểm b khoản 5 Điều 13 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP sẽ thực hiện khắc phục như thế nào?
Thượng tá Võ Đăng Khoa: Riêng một số trường hợp cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng của cơ sở, hạng mục trong cơ sở (thuộc diện thẩm duyệt theo quy định tại Phụ lục V của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP) ảnh hưởng đến một trong các yêu cầu an toàn PCCC quy định tại điểm b khoản 5 Điều 13 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP thì phải thẩm duyệt về PCCC theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 13 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP và phải áp dụng QCVN 06:2022/BXD trong phạm vi các cải tạo đó, cụ thể:
- Khi thay đổi tính chất sử dụng, chuyển đổi công năng của gian phòng, khoang cháy hoặc nhà (bao gồm cả trường hợp cơ sở trước đây không thuộc diện thẩm duyệt và đến nay thuộc diện thẩm duyệt theo quy định tại Phụ lục V của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP);
- Khi cải tạo trong các trường hợp:
+ Làm tăng quy mô của khoang cháy hoặc nhà (như tăng số tầng (bao gồm cả tầng hầm), chiều cao PCCC, diện tích, khối tích,...);
+ Làm giảm giới hạn chịu lửa hoặc tăng mức nguy hiểm cháy đối với cấu kiện của khoang cháy hoặc nhà (như giảm giới hạn chịu lửa của vách và cửa trên vách ngăn hành lang từ EI 30 thành EI 15 hoặc kính thường; giảm giới hạn chịu lửa tường ngoài không chịu lực...);
+ Làm thay đổi giải pháp thoát nạn của khoang cháy hoặc nhà (như thay đổi vị trí, số lượng, chủng loại lối ra thoát nạn, cầu thang và buồng thang bộ trên đường thoát nạn...);
+ Làm thay đổi hệ thống bảo vệ chống cháy (hệ thống báo cháy và âm thanh công cộng; các hệ thống chữa cháy; hệ thống chống tụ khói; phương tiện chiếu sáng sự cố và chỉ dẫn thoát nạn; thang máy chữa cháy; giải pháp cấp điện cho hệ thống PCCC và các hệ thống kỹ thuật liên quan đến PCCC) như thay đổi thông số kỹ thuật thiết bị chính của hệ thống (thông số tủ trung tâm báo cháy, máy bơm cấp nước chữa cháy, bình chứa khí trong hệ thống chữa cháy tự động, quạt tăng áp, hút khói,...) hoặc nguyên lý hoạt động chung (bổ sung thêm hệ thống mới cho gian phòng, khoang cháy hoặc nhà; thay đổi phân vùng hệ thống báo cháy tự động, hệ thống chữa cháy, hệ thống hút khói; thay đổi nguyên lý kích hoạt các van của hệ thống chữa cháy...). Việc dịch chuyển vị trí thiết bị của hệ thống (vị trí đầu báo cháy, đầu phun Sprinkler, đầu phun khí chữa cháy, đường ống, miệng tăng áp, hút khói,...) không làm thay đổi thông số kỹ thuật của thiết bị hoặc nguyên lý hoạt động chung của hệ thống thì không bắt buộc thẩm duyệt thiết kế về PCCC.
- Cơ sở trước đây thuộc đối tượng thẩm duyệt nhưng chưa thực hiện thẩm duyệt và đến nay thuộc đối tượng thẩm duyệt theo quy định tại Phụ lục V của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP thì lập hồ sơ cải tạo để thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC theo quy định của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP.
Xin cảm ơn Thượng tá Võ Đăng Khoa

Hoàng Giang - PCCC