Cổng thông tin điện tử

CÔNG AN TỈNH HÀ TĨNH

Công an Hà Tĩnh: "Dân vận khéo" trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số

Thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), tỉnh Hà Tĩnh đã nỗ lực lớn, quyết tâm cao, có những giải pháp vừa cấp bách, vừa căn cơ bài bản, lâu dài, thực hiện chuyển đổi số ở vùng đất được xem là “chảo lửa, túi mưa”. Trong đó, công tác dân vận đóng vai trò quan trọng, lực lượng Công an cùng hệ thống chính trị toàn tỉnh huy động sức mạnh toàn dân, chung sức đồng lòng thực hiện Chuyển đổi số.


Hướng dẫn người dân sử dụng VNEID mọi lúc, mọi khi

Ngày
22/6/2021, khi Bộ Công an công bố vận hành chính thức hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống Sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân từ ngày 1/7/2021 đây được xem dấu mốc lịch sử của chiến dịch thần tốc, quyết liệt và hiệu quả trong thực hiện Chuyển đổi số. Cùng với đó, kể từ ngày 1/1/2023, theo Luật Cư trú 2020, sổ tạm trú, sổ hộ khẩu giấy chính thức được bãi bỏ trong tất cả những giao dịch thủ tục hành chính phục vụ nhân dân. Ðây được xem như một dấu mốc "lịch sử" đối với công tác quản lý hành chính. Thay vì quản lý bằng sổ hộ khẩu giấy, cơ quan chức năng quản lý thông tin cư trú của người dân trên môi trường số, điện tử. Từ đó, ý tưởng "xác định người dân là chủ thể", làm vì người dân, mục tiêu "Người dân biết – Người dân sử dụng – Người dân tuyên truyền", Công an Hà Tĩnh đã triển khai mô hình "Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà". Tổ công tác, đội cơ động gồm nhiều lực lượng lượng Công an, đoàn viên, thanh niên, hội viên, tổ trưởng tố dân phố, những người đóng vai trò nòng cốt, truyền lửa trong việc tuyên truyền hướng dẫn người dân nhận thức được tiện ích của Dịch vụ công  trực tuyến, tiết kiệm thời gian và công sức khi không phải làm thủ tục hành chính trực tiếp. “Mưa dầm, thấm lâu” với sự kiên trì bền bỉ, người dân đã bắt nhịp với công cuộc chuyển số, sử dụng các dịch vụ công thiết yếu trên môi trường số, tháo gỡ những rào cản trong quá trình thực hiện. Từ việc người dân đồng tình ủng hộ, chủ động cài đặt và kích hoạt tài khoản định danh điện tử đã lan tỏa những “công dân số”, hoạt động trên “môi trường số”.


Giám đốc Công an tỉnh động viên bà con nhân dân xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà trong thực hiện số hóa các giấy tờ


Kết quả đầu tiên mà tỉnh Hà Tĩnh đạt được trong thực hiện Đề án 06 đó chính là tỉnh thứ 2 trên cả nước hoàn thành cấp căn cước công dân gắn chip cho 100% công dân đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh, đứng thứ 4 toàn quốc về cấp và kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho công dân. Trước đó, nhiều xã, phường, thị trấn của tỉnh Hà Tĩnh cũng là đơn vị đầu tiên trên cả nước hoàn thành chỉ tiêu này được Bộ trưởng Bộ Công an khen thưởng. Cộng hưởng những quyết tâm và trách nhiệm, “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” đã tạo nên kết quả mang dấu ấn “lịch sử”.

Thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, thời gian qua Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, đoàn thể trong toàn tỉnh triển khai quyết liệt các nhiệm vụ của đề án, trong đó chỉ đạo Công an tỉnh khẩn trương thực hiện việc cấp CCCD, kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho công dân có đủ điều kiện trên địa bàn. Việc này sẽ góp phần phuc vụ người dân, doanh nghiệp giải quyết những thủ tục hành chính nhanh chóng, thuận tiện trên môi trường điện tử, giảm bớt giấy tờ, thời gian, công sức và chi phí của người dân, đồng thời xây dựng “công dân số”.

Với vai trò Tổ phó Thường trực Tổ công tác thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, trong quá trình thực hiện, Công an tỉnh đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện, tập trung triển khai nhiều giải pháp, cách làm sáng tạo, không quản ngại khó khăn, vất vả, ngày đêm để tận tụy phục vụ nhân dân. Từ đồng chí Giám đốc Công an tỉnh cho đến từng CBCS ở Công an các cấp đều luôn đau đáu với nhiệm vụ, với Đề án 06, với “đúng, đủ, sạch, sống” của dữ liệu.


Công an Hà Tĩnh thực hiện "dân vận khéo" trong quá trình đồng hành cùng người dân chuyển đổi số


Những tổ công tác “Tổ công nghệ số cộng đồng” , lực lượng đoàn thanh niên, hội phụ nữ trực tiếp đi “tìm dân”, “gặp dân” và “phục vụ dân” để cấp CCCD và tài khoản định danh điện tử cho công dân không bất kể ngày đêm. Khi có CCCD gắn chip, người dân có điều kiện rất quan trọng được xem là “chìa khóa” để mở ra cánh cửa trong “ngôi nhà” chuyển đổi số. Đây cũng là một trong những tiền đề đặc biệt quan trọng giúp Hà Tĩnh chuyển mình về mọi mặt kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Trước tình hình tỉ lệ người dân cài đặt và kích hoạt tài khoản định danh điện tử còn hạn chế, việc “về đích” trước tháng 6/2023 gặp nhiều khó khăn, ngày 20/5/2023, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã kêu gọi về việc toàn dân đăng ký và sử dụng tài khoản định danh điện tử (VNeID). Trong đó, người đứng đầu tỉnh Hà Tĩnh nhấn mạnh: “Với truyền thống đoàn kết và khát vọng vươn lên của người dân Hà Tĩnh, tôi trân trọng kêu gọi toàn thể Nhân dân, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, thanh niên, lực lượng vũ trang, người lao động... hãy tích cực đăng ký và sử dụng tài khoản ĐDĐT để trải nghiệm những tiện ích mà tài khoản ĐDĐT mang lại, phục vụ công tác chuyển đổi số, góp phần xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu mạnh, văn minh, hiện đại”.

Cũng từ dấu mốc quan trọng ấy, thực hiện Lời kêu gọi của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, người dân chung sức đồng lòng thực hiện đăng ký và sử dụng tài khoản ĐDĐT. Tổ đề 06 các huyện, thành phố, thị xã đã triển khai cao điểm thực hiện “chặng nước rút”. Một khí thế, một động lực mới lan tỏa rộng khắp từ thành thị đến nông thôn, từ miền núi đến đồng bằng, miền biển, từ  người có đạo hay người không có đạo. Tất cả “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” trong đăng ký và sử dụng tài khoản ĐDĐT, góp phần thực hiện có hiệu quả “công dân số”, “xã hội số”, “chính phủ số”.


Thực hiện thông báo lưu trú qua phần mềm ASM tại khách sạn Eagle Hà Tĩnh

Cùng với đó, lực lượng Công an Hà Tĩnh với vai trò vừa tham mưu, vừa tổ chức thực hiện đã từng bước tháo gỡ những “rào cản”, triển khao các mô hình, đợt cao điểm “nước rút” với những cách làm mới, hấp dẫn như “đỡ đầu Công an xã”, “ngày cuối tuần làm Công an xã”, tìm dân, gặp dân, cài đặt tài khoản định danh điện tử mọi lúc mọi khi. Tất cả đã tạo ra “thế trận liên hoàn” vững chắc, giúp người dân bước vào kỷ nguyên số với những trải nghiệm và hưởng thụ những tiện ích chưa từng có.

Thời gian tới, Công an tỉnh Hà Tĩnh sẽ tập trung phối hợp với các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh các giải pháp để xây dựng, hình thành chính quyền số đồng thời với công dân số, tạo môi trường cho kinh tế số và xã hội số phát triển. Trước mắt, Công an tỉnh tập trung triển khai xây dựng 21 mô hình điểm thực hiện nhiệm vụ Đề án 06 để từng bước đưa đề án vào thực tiễn, lấy người dân là mục tiêu để phục vụ.


 

Diệp Diệp