Cổng thông tin điện tử

CÔNG AN TỈNH HÀ TĨNH

Đảm bảo an toàn PCCC đối với hệ thống dây dẫn, thiết bị điện trên các cột điện

Theo thống kê của cơ quan chức năng, tính từ đầu tháng 01/2023 đến 01/01/2024 trên địa bàn toàn tỉnh Hà Tĩnh đã xẩy ra 38 vụ cháy trên các thiết bị, đường dây dẫn, hộp công tơ điện trên các cột điện mà nguyên nhân chính là do việc lắp đặt, đấu nối dây dẫn vào thiết bị điện hở, dây dẫn điện sau công tơ điện sử dụng lâu ngày không được thay thế, thiết bị tiêu thụ điện tăng, sét đánh... Đặc biệt, dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 nhu cầu sử dụng điện phục vụ sản xuất, kinh doanh, điện sinh hoạt theo dự báo sẽ tăng cao, kéo theo nguy cơ tiềm ẩn xẩy ra cháy, nổ luôn tiềm ẩn.

Mặc dù lực lượng Cảnh sát PCCC &CNCH Công an tỉnh Hà Tĩnh, các cơ quan chức năng và người dân kịp thời dập tắt, song vụ cháy vẫn ảnh hưởng tới hoạt động của các cơ quan, doanh nghiệp và người dân. Hơn nữa, cháy dây dẫn, thiết bị điện trên cột điện ở các tuyến đường qua khu dân cư có mật độ ở dày còn là nỗi bất an cho người dân khi tham gia giao thông. Vấn nạn này không chỉ gây thiệt hại về tài sản mà còn tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hiểm đến tính mạng, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh cũng như đời sống sinh hoạt của người dân, ảnh hưởng đến ANTT chung.
Trên nhiều tuyến đường tại thị trấn, thị xã, thành phố, thậm chí cả đường thôn, xóm không khó bắt gặp những cột điện được lắp đặt nhiều hộp công tơ, hệ thống dây điện, dây cáp quang, cáp viễn thông, truyền hình... được giăng mắc chằng chịt. Do đó, tình trạng chập, cháy trên các cột điện ngày càng gia tăng một cách đáng lo ngại.

(Ảnh minh hoạ)
Việc không thanh thải, ngầm hóa, bó gọn dây dẫn trên cột điện không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông qua những vị trí, khu vực mà dây dẫn điện chùng, võng, đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp của xe chữa cháy khi có cháy, nổ xẩy ra tại câc khu vực này; đồng thời,  tiềm ẩn nguy cơ gây cháy lan, cháy lớn khi không được xử lý kịp thời và ảnh hưởng đến công tác chữa cháy. Đáng lo ngại hơn, nhiều cột điện ngay sát nhà dân, khi cháy nếu không phát hiện và xử lý kịp thời dễ dẫn tới cháy lan theo đường dây vào sâu nhà dân, gây khó khăn trong công tác triển khai chữa cháy, đặc biệt là vào đêm tối.
​          Theo lãnh đạo Công ty điện lực Hà Tĩnh, các Điện lực trực thuộc Công ty đã thực hiện nhiều giải pháp linh hoạt nhằm tuyên truyền phòng chống cháy, nổ trong sử dụng điện như trực tiếp gửi 3788 thông báo tuyên truyền và tờ rơi đến tận tay các khách hàng sinh sống, trong và hai bên hành lang an toàn lưới điện; Nhắn tin tuyên truyền phòng chống cháy nổ đến hơn 440.000 khách hàng; Phát 1800 cuốn cẩm nang an toàn điện, phát hàng ngàn tờ rơi, tờ gấp an toàn điện; In, treo 544 pa nô tuyên truyền phòng chống cháy nổ trong sử dụng điện tại các địa điểm thường xuyên tập trung đông người như UBND xã, hội quán thôn, chợ, trường học...; Gửi văn bản cho các cấp chính quyền địa phương như UBND tỉnh, Sở Công Thương, UBND huyện, thành phố,  thị xã, UBND các xã và các tổ trưởng tổ dân phố, các Giáo xứ, Trường học, khu vui chơi giải trí, Ban quản lý Chợ đề nghị tuyên truyền phòng chống cháy nổ trong sử dụng điện đến Nhân dân trên địa bàn như trên hệ thống loa phát thanh, truyền hình địa phương...

Ngoài ra để đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định, định kỳ hằng năm Công ty Điện lực Hà Tĩnh triển khai thực hiện nhiều dự án xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp lưới điện trung hạ áp; các đơn vị trực thuộc tập trung nhân lực, tiến hành ra quân tổng kiểm tra toàn bộ hệ thống đường dây, vệ sinh, bảo dưỡng lưới điện; xử lý kịp thời các tồn tại, khiếm khuyết có nguy cơ gây sự cố; tăng cường kiểm tra, giám sát công tác quản lý kỹ thuật - vận hành, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và thiết bị; quán triệt CBCNV thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống cháy nổ…

Ông Phạm Việt Thắng - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Hà Tĩnh cho biết: “Để đảm bảo an toàn phòng chống cháy, nổ trong sử dụng điện, Công ty Điện lực Hà Tĩnh khuyến cáo khách hàng cần sử dụng dây dẫn, thiết bị điện đảm bảo tiêu chuẩn, không sử dụng điện quá tải đặc biệt vào các dịp nắng nóng, lễ tết. Công ty cũng đề nghị chính quyền địa phương các cấp hỗ trợ ngành Điện tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả đến Nhân dân trên địa bàn, đặc biệt hệ thống điện sau công tơ”.
Nhằm hạn chế nguy cơ xẩy ra cháy dây dẫn, thiết bị điện trên các cột điện, Ngành điện cần thường xuyên kiểm tra, thay mới, bảo dưỡng các biến áp, hệ thống dây dẫn, đặc biệt là những trụ điện, cột điện, hệ thống đường dây giáp với nhà dân; tháo gỡ những đường dây điện, dây cáp quang… đã hỏng, không sử dụng; phát quang cây xanh gần hành lang an toàn điện, tổng kiểm tra toàn bộ hệ thống lưới điện, có giải pháp nâng cấp và xử lý khắc phục những khu vực lưới điện có nguy cơ xảy ra cháy, nổ, đặc biệt là các trụ điện, cột điện, hệ thống đường dây giáp với nhà dân. Tăng cường thực hiện kiểm tra, rà soát, đo bắn nhiệt tại các vị trí điểm tiếp xúc trên đường dây dẫn điện, trạm biến áp trung, hạ thế thuộc phạm vi quản lý để phát hiện, xử lý kịp thời không để xảy ra cháy, nổ; tuyên truyền, khuyến cáo về an toàn PCCC trong sử dụng điện…

 Để chủ động phòng ngừa, hạn chế thấp nhất các sự cố cháy, nổ có thể xảy ra tại các hệ thống dây dẫn, công tơ điện được lắp đặt trên các cột điện, các cơ quan, doanh nghiệp, hộ gia định và người dân cần thực hiện tốt một số biện pháp sau đây:
- Tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, hướng dẫn về sử dụng điện; chủ động kiểm tra tổng thể hệ thống điện trong gia đình, khu vực quản lý, sửa chữa khắc phục ngay những hư hỏng, không đảm bảo an toàn dễ sinh cháy, nổ. Chú ý có các giải pháp nâng cấp, thay thế, xử lý khắc phục những nơi có nguy cơ xảy ra cháy, nổ như hệ thống đường dây dẫn, bảng điện…, đặc biệt là hệ thống dây dẫn điện sau công tơ điện đã bị lão hóa; khi sử dụng thiết bị tiêu thụ điện cần phải tính toán đến công suất, tải của dây dẫn để tránh quá tải. Các mối nối phải đảm bảo kín, chắc chắn, tránh điện trở chuyển tiếp.
- Lắp thiết bị bảo vệ như cầu chì hoặc áp tô mát cho hệ thống điện chung toàn nhà, từng tầng nhà, từng nhánh, thiết bị công suất lớn và trước các ổ cắm điện; nên lựa chọn thiết bị điện, dây dẫn điện có chất lượng tốt, nguồn gốc và xuất xứ rõ ràng.
- Ngắt các thiết bị, dụng cụ điện sinh nhiệt (bàn ủi, bếp điện, thiết bị gia nhiệt bằng điện trở...) ra khỏi nguồn điện khi không sử dụng hoặc đang sử dụng mà bị mất điện. Kiểm tra, tắt các thiết bị điện không cần thiết trước khi ra khỏi nhà hoặc trước khi ngủ.
- Không để các chất dễ cháy (ga, xăng, dầu, giấy, vải) gần đường dây và các thiết bị điện như đèn, bàn ủi, bếp điện. Ổ cắm điện phải dùng loại tốt, không sử dụng nhiều thiết bị cùng lúc, đề phòng quá tải dây và ổ cắm, không cắm dây dẫn điện trực tiếp vào ổ cắm, không sử dụng ổ cắm rạn nứt vỏ cách điện hoặc hoen rỉ... tuyệt đối không sử dụng dây điện trần trong gia đình, không câu móc điện tùy tiện, không luồn móc dây dẫn dưới mái tôn, không treo móc hàng hóa, vật dụng lên đường dây, thiết bị điện...
- Không bắn các loại pháo giấy có dây tráng kim loại, thả diều, thả đèn trời lên đường dây, trạm điện hoặc gần đường dây thiết bị lưới điện trung cao áp, đề phòng cháy, nổ; không trồng cây hoặc để cành cây, dây leo vi phạm khoảng cách an toàn đối với đường dây điện, trạm biến áp.
- Mỗi hộ gia đình cần trang bị ít nhất 01 bình chữa cháy, dụng cụ phá dỡ, thiết bị, dụng cụ an toàn điện và biết cách sử dụng, không dùng nước để chữa cháy khi chưa cắt nguồn điện.
- Ngoài ra, mỗi người dân hãy là những tuyên truyền viên tích cực cho người thân, họ hàng, làng xóm, đồng nghiệp trong việc nâng cao ý thức phòng ngừa cháy, nổ; sử dụng đúng hoặc hạn chế các loại thiết bị tiêu thụ điện để vừa tiết kiệm điện, vừa đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho gia đình và cộng đồng.
Khi phát hiện sự cố xảy ra, người dân cần bình tĩnh điện báo ngay cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH theo số điện thoại “114” ứng dụng App “Báo cháy 114”,  hoặc đội dân phòng, chính quyền, công an xã, thị trấn gần nhất, đồng thời báo Ngành điện lực quản lý, mọi người xung quanh để kịp thời ra khỏi khu vực nguy hiểm, xử lý, sử dụng phương tiện tại chỗ để chữa cháy.

Thành Biên - PCCC