Cổng thông tin điện tử

CÔNG AN TỈNH HÀ TĨNH

Đảm bảo an toàn phòng cháy tại các đền, chùa trong dịp Tết

Dịp lễ hội đầu xuân, người dân thường tập trung rất đông tại các nơi thờ tự, đền, chùa… để tham quan, lễ bái. Đồng thời, nhu cầu thắp hương, đốt vàng mã rất lớn, gia tăng nguy cơ cháy, nổ. Để góp phần làm tốt công tác PCCC, lực lượng PCCC đã tăng cường làm tốt công tác tuyên truyền, kiểm tra tại các đền, chùa, cơ sở thờ tự tâm linh trên địa bàn

Hiện nay trên địa bàn thị xã Hồng Lĩnh có rất nhiều khu di tích, đền chùa nổi bật như: Đền Cả (Dinh đô quan Hoàng Mười), Chùa Hang, Chùa Đại Hùng, chùa Thiên Tượng, Khu di tích văn hóa Tiên Sơn… mỗi dịp đầu năm các cơ sở thờ tự thường tổ chức nhiều hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, thu hút hàng ngàn lượt người dân, du khách tham gia hành lễ, chiêm bái.

Theo ghi nhận của lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH tại các đình, chùa, đền, cơ sở di tích lịch sử, văn hóa đã được trang bị phương tiện chữa cháy, nhưng còn ở mức độ hạn chế, các phương tiện chữa cháy ban đầu chưa đầy đủ và chưa đúng chủng loại. Một số nơi được trang bị các phương tiện chữa cháy thô sơ như: xô, chậu, thang tre; phần lớn phương tiện chữa cháy không được bảo quản, bảo dưỡng đúng quy định. Trong khi đó, các cơ sở trên là nơi thường tập trung đông người và luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy cao do các hoạt động như: Đốt hương, nến, vàng mã, rất dễ gây cháy lan làm thiệt hại người và tài sản.

Thời gian qua, trên địa bàn cả nước xảy ra một số vụ cháy tại các chùa, đền gây thiệt hại không nhỏ về tài sản, ảnh hưởng đến hoạt động tín ngưỡng của địa phương

Để bảo đảm an toàn PCCC, người dân cần nâng cao ý thức phòng ngừa, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về an toàn cháy, nổ. Đội chữa cháy và CNCH khu vực Hồng Lĩnh khuyến cáo đến ban quản lý, người phụ trách cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo trên địa bàn thị xã một số nội dung sau:
1. Tăng cường tuyên truyền nâng cao kiến thức PCCC cho những người làm việc phục vụ tại chỗ, cũng như khách tham quan, du lịch.
2. Ban hành các quy định, nội quy về PCCC; dự phòng điều kiện thoát nạn khi có cháy xảy ra.
3. Kiểm tra hệ thống điện, thiết bị tiêu thụ điện, điện chiếu sáng, dây dẫn điện.
4. Phải có kho bảo quản để đảm bảo an toàn PCCC đối với hương, nến, vàng mã; dụng cụ đỡ hương, đèn bố trí nơi chắc chắn, cố định, tránh ngã, đổ.
5. Phải có nơi hủy hương, đèn, vàng mã...; phải cử người trông coi khi khách đến thắp hương, nến để xử lý ngay những trường hợp bất cẩn.
6. Không để vật tư, hàng hóa, trưng bày; không cho người dân buôn bán trên lối đi, lan can, hành lang, cửa ra vào, lối thoát nạn.
7. Chủ động trang bị phương tiện PCCC, đồng thời phải thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện PCCC hiện có bảo đảm hoạt động tốt khi có cháy xảy ra, như: Nước, xô, bình chữa cháy xách tay các loại...
8. Quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt, các thiết bị dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt tại khu vực bếp, chính điện, kho, bãi xe...
9. Tổ chức tập huấn cho các lực lượng chữa cháy tại chỗ về thao tác sử dụng bình chữa cháy, các điều kiện thoát nạn.
10. Bàn thờ phải làm bằng vật liệu khó cháy hoặc không cháy và có vách ngăn chống cháy lan sang khu vực xung quanh.
11. Hạn chế đến mức thấp nhất việc thắp hương, nến thờ cúng và hóa vàng.
12. Khi xảy ra cháy cần báo ngay cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp qua số 114 hoặc báo cho chính quyền sở tại để được hỗ trợ.
 

Thân Đạt - PCCc