Cổng thông tin điện tử

CÔNG AN TỈNH HÀ TĨNH

Điểm tựa mở ra cánh cửa hoàn lương

Thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà Tĩnh đã tích cực phối hợp Công an tỉnh, các tổ chức chính trị, xã hội nhận ủy thác, tập trung rà soát các đối tượng có nhu cầu, bình xét cho vay, hoàn thiện hồ sơ để giải ngân kịp thời. Đây là chính sách mới, rất nhân văn, nhân đạo nhằm giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù ổn định cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng.

Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ được triển khai đáp ứng nhu cầu rất kịp thời, thiết thực phù hợp nguyện vọng, cung cấp nguồn vốn nhằm tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn chính sách để học nghề, đầu tư sản xuất kinh doanh, cơ sở sản xuất kinh doanh tạo việc làm, sinh kế cho những người chấp hành xong án phạt tù làm lại cuộc đời, qua đó góp phần bảo đảm an ninh trật tự, phát triển kinh tế, xã hội.
Theo đánh giá của đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh, qua điều tra khảo sát thì 70% số đối tượng chấp hành xong án phạt tù về địa phương không có công ăn việc làm ổn định, rất dễ có nguy cơ tái phạm. Nên việc triển khai quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù là một quyết định rất phù hợp và đáp ứng được mong mỏi nguyện vọng của đa số những đối tượng chấp hành xong án phạt về địa phương. Quyết định này đi vào cuộc sống thì góp phần hạn chế tỉ lệ tái phạm tội cũng như giúp cho những đối tượng đặc thù này thụ hưởng chính sách một cách bền vững.



Bà Bùi Thị Ngọc Hà, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà Tĩnh cho biết, thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà Tĩnh sẽ phối hợp Công an tỉnh triển khai thực hiện chương trình phối hợp do 2 cơ quan cũng đã thống nhất và cùng các tổ chức chính trị, xã hội, các địa phương; tập trung rà soát nhu cầu vay vốn và sẵn sàng các nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vay vốn khi mà các trường hợp có nhu cầu và đủ điều kiện được vay.

Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà Tĩnh đang tiếp tục phối hợp Công an tỉnh triển khai Quyết định bảo đảm đúng người, đúng đối tượng, đủ điều kiện vay vốn có thể tiếp cận vốn vay để học nghề, có nguồn vốn làm ăn, góp phần giúp những người từng lầm lỡ ổn định cuộc sống.
Tính từ đầu tháng 11/2023 đến nay, toàn tỉnh đã giải ngân được 2,115 tỷ đồng cho 28 trường hợp người chấp hành xong án phạt tù vay vốn. Nguồn vốn vay từ Quyết định 22 đã giúp những người chấp hành xong án phạt tù có điều kiện làm lại cuộc đời, bước đầu cho thấy hiệu quả tích cực. Dự kiến, kế hoạch năm 2024, ngân hàng chính sách sẽ giải ngân gần 4 tỷ đồng cho các trường hợp chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương vay vốn.
Đây là chính sách hết sức nhân văn của Đảng và Nhà nước ta, là điểm tựa để mở ra cánh cửa hoàn lương, ổn định cuộc sống, làm lại cuộc đời cho những người từng lầm lỡ ở Hà Tĩnh. Qua đó, góp phần tích cực xóa bỏ nguyên nhân và điều kiện vi phạm pháp luật, tái phạm tội của những người đã chấp hành xong án phạt để trở thành những công dân tích cực với gia đình và địa phương.

Đối tượng được vay vốn

Quyết định quy định đối tượng vay vốn bao gồm:
1- Người chấp hành xong án phạt tù bao gồm người chấp hành xong thời hạn chấp hành án phạt tù đã được cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù quy định tại Luật Thi hành án hình sự và người được đặc xá đã được cấp giấy chứng nhận đặc xá quy định tại Luật Đặc xá; 
2- Cơ sở sản xuất kinh doanh bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù.  

Điều kiện vay vốn 

Về điều kiện vay vốn, Quyết định nêu rõ, người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu vay vốn; có tên trong danh sách người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không tham gia các tệ nạn xã hội, do Công an cấp xã lập và được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận. Thời gian kể từ khi chấp hành xong án phạt tù đến thời điểm vay vốn tối đa là 05 năm; 
Điều kiện vay vốn đối với cơ sở sản xuất kinh doanh: Được thành lập và hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật; sử dụng tối thiểu 10% tổng số lao động là người chấp hành xong án phạt tù đáp ứng các điều kiện nêu trên và ký hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật về lao động; có phương án vay vốn và được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thực hiện phương án xác nhận.  
Quyết định nêu rõ, người chấp hành xong án phạt tù và cơ sở sản xuất kinh doanh quy định ở trên phải thuộc trường hợp không còn dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội đối với các chương trình tín dụng khác có cùng mục đích sử dụng vốn vay để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm theo quy định của pháp luật thì mới đủ điều kiện để vay vốn.

Phương thức cho vay

1- Đối với người chấp hành xong án phạt tù: Thực hiện phương thức cho vay thông qua hộ gia đình. Đại diện hộ gia đình của người chấp hành xong án phạt tù là người đứng tên vay vốn và giao dịch với Ngân hàng Chính sách xã hội. Trường hợp trong hộ gia đình không còn thành viên nào từ đủ 18 tuổi trở lên hoặc thành viên còn lại không còn sức lao động, không có đủ năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật thì người chấp hành xong án phạt tù trực tiếp đứng tên vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay thực hiện cho vay theo phương thức ủy thác cho các tổ chức chính trị - xã hội. 
2- Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh: Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay thực hiện cho vay trực tiếp. 

Mục đích sử dụng vốn vay

Quyết định cũng quy định cụ thể mục đích sử dụng vốn vay. Theo đó, đối với vay vốn để đào tạo nghề: Chi phí cho việc học tập, sinh hoạt của người chấp hành xong án phạt tù trong thời gian theo học tại các trường đại học (hoặc tương đương đại học), cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam. Chi phí này bao gồm: Tiền học phí; chi phí mua sắm sách vở, phương tiện học tập; chi phí ăn, ở, đi lại.
Đối với vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm: Chi phí để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm gồm chi phí cho việc thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm.

Mức vốn cho vay

Về mức vốn cho vay, Quyết định quy định đối với vay vốn để đào tạo nghề: Mức vốn cho vay tối đa là 4 triệu đồng/tháng/người chấp hành xong án phạt tù.
Đối với vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, mức vốn cho vay tối đa là 100 triệu đồng/người chấp hành xong án phạt tù. Với cơ sở sản xuất kinh doanh: Mức vốn cho vay tối đa là 02 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh.  

 

PV