Cổng thông tin điện tử

CÔNG AN TỈNH HÀ TĨNH

Hiệu quả từ công tác tuyên truyền PCCC trên địa bàn huyện Đức Thọ

Qua rà soát, kiểm tra địa bàn, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an Hà Tĩnh đã cảnh báo các khu dân cư xen kẽ làng nghề truyền thống tham gia sản xuất, luôn tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn. Để làm tốt công tác PCCC, các đơn vị còn phối hợp với Công an các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đức Thọ tăng cường tuyên truyền, giúp thực hiện tốt kỹ năng PCCC.

Để đảm bảo an toàn PCCC, giảm thiểu số vụ cháy, thiệt hại do cháy, nổ gây ra cho doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh tại các thôn, khu dân cư trên địa bàn thì việc làm cần thiết là ý thức của người lao động cần phải nâng cao trong công tác PCCC, duy trì tốt hoạt động đội PCCC cơ sở và lực lượng dân phòng. Cùng với đó đầu tư trang thiết bị PCCC, lắp đặt hệ thống PCCC, mở lớp tập huấn, phổ biến kiến thức PCCC cho người lao động. Những nội dung này thời gian qua lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh đã quyết liệt triển khai. Là địa phương có nghề làm mộc truyền thống, tại xã Thanh Bình Thịnh huyện Đức Thọ, mô hình Tổ liên gia về an toàn PCCC và điểm chữa cháy công cộng mặc dù mới đi vào hoạt động nhưng đã phát huy được hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”, góp phần lan tỏa mạnh mẽ tinh thần PCCC từng khu vực, hộ dân trong làng nghề. Tại các hộ gia đình trong Tổ liên gia, mỗi hộ đều được trang bị ít nhất 01 bình chữa cháy xách tay và tối thiểu 01 dụng cụ phá dỡ; lắp đặt chuông báo cháy, 02 nút ấn báo cháy ở trong và ngoài nhà, được kết nối liên thông, để khi có sự cố tại một nhà, tất cả các nhà khác liền kế đều biết để hỗ trợ cứu người, tài sản và tổ chức cứu chữa.

          Để mô hình đi vào hoạt động có hiệu quả, thời gian qua, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh phối hợp với Công an xã Thanh Bình Thịnh tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, xây dựng kế hoạch, tổ chức thực tập phương án phòng cháy, chữa cháy cho người dân, hộ gia đình trong làng nghề. Từ chỗ xem công tác PCCC là nhiệm vụ của lực lượng chức năng thì nay người dân trên địa bàn đã thay đổi nhận thức, xác định đây là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi người, mọi nhà để đảm bảo an toàn trong khu dân cư. Việc rà soát, triển khai các điểm chữa cháy công cộng tại các làng nghề truyền thống, khu dân cư có những cung đường chật, hẹp, xe chữa cháy khó tiếp cận khi có sự cố hỏa hoạn xảy ra là giải pháp hữu hiệu cho việc xử lý cháy ban đầu, hạn chế cháy lan, cháy lớn. Đồng thời, sự đồng loạt kích hoạt các điểm chữa cháy công cộng trên địa bàn cho thấy ý thức trách nhiệm của người dân đã nâng cao tinh thần, trách nhiệm vì cộng đồng không để cháy, nổ xảy ra. Tính đến thời điểm hiện nay, huyện Đức Thọ xã có 85 tổ liên gia an toàn PCCC và 48 điểm chữa cháy công cộng.
          Anh Nguyễn Hải Bình, xã Thanh Bình Thịnh, huyện Đức Thọ cho biết: “Mô hình này tôi thấy hiệu quả rất tốt, thiết thực, không những chỉ đảm bảo công tác PCCC mà các gia đình còn thống nhất với nhau rằng, nhà nào có chuông, nếu có trộm cướp hay nhiều vấn đề khác thì đều có thể xử lý được, chẳng hạn như đêm hôm có chuông thì các hộ đều biết, cùng giúp nhau, cứu người, cứu tài sản”.

Để chủ động làm tốt công tác PCCC và CNCH, trang bị phương tiện cần thiết đáp ứng yêu cầu công tác chữa cháy và CNCH theo tinh thần của Chỉ thị số 01/CT-TTg và văn bản chỉ đạo của UBND. Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã phối hợp với Công an huyện Đức Thọ chủ động tuyên truyền vận động, phấn đấu đến ngày 31/10/2023 mỗi hộ gia đình: trang bị tối thiểu 01 bình chữa cháy, 01 dụng cụ phá dỡ thô sơ bảo đảm khi có sự cố cháy, nổ xảy ra trong khu dân cư, hộ gia đình để chữa cháy, CNCH ngay từ khi đám cháy mới phát sinh; mở lối thoát nạn thứ 02; có phương án thoát nạn; được cài đặt và sử dụng thành thạo ứng dụng App “Báo cháy 114”.
Bên cạnh đó, CBCS Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã vận động các doanh nghiệp trên địa bàn cùng chung tay, ủng hộ người dân là đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn được trang bị bình chữa cháy. Đến nay đã có 3.460 hộ dân trên địa bàn huyện Đức Thọ trang bị bình chữa cháy, đứng thứ 2 toàn tỉnh. Nhằm nâng cao nhận thức về an toàn PCCC cho mọi người dân, cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Đức Thọ, thời gian qua, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã chủ động tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức PCCC với nhiều hình thức, phù hợp với nội dung và đối tượng, đảm bảo yêu cầu thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm. Đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở. Chỉ tính từ tháng 02/2023 đến nay, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh phối hợp với huyện Đức Thọ tổ chức 165 lớp tuyên truyền tập huấn 18.589 người tham gia; tuyên truyền 1.355 lượt trên loa phát thanh cơ sở. Đặc biệt, Đức Thọ là huyện đầu tiên trong năm 2023 được tổ chức lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC và CNCH cho lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền địa phương và CBCS Công an xã, thị trấn.

 Thượng tá Nguyễn Văn Lộc, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh cho biết: Công tác PCCC cần phải được xã hội hóa mạnh mẽ, mỗi người dân là một chiến sỹ trên mặt trận phòng cháy, chữa cháy, với phương châm mọi công tác PCCC và CNCH trước hết phải được giải quyết bằng lực lượng, phương tiện, chỉ huy và hậu cần tại chỗ. Thời gian qua, công tác đảm bảo an toàn PCCC trên địa bàn huyện Đức Thọ đã nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và người dân, do vậy phong trào toàn dân tham gia PCCC đã phát triển, triển khai được sâu rộng và hiệu quả, thiết thực, hạn chế tối đa những thiệt hại về cháy, nổ xẩy ra trên địa bàn”.

Văn Hoàng - PCCC