Cổng thông tin điện tử

CÔNG AN TỈNH HÀ TĨNH

Nâng cao nhận thức về các thách thức an ninh phi truyền thống

Ngày 12/1, tại TP Hồ Chí Minh, Ban tổ chức Hội thảo Hội đồng Lý luận Bộ Công an đã tổ chức Hội thảo khoa học cấp Quốc gia: “Vấn đề an ninh phi truyền thống vùng Tây Nam Bộ - nhận thức và thực tiễn”. Trung tướng Lê Quốc Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng lý luận Bộ Công an chủ trì buổi Hội thảo.


hoi1.jpg -0
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng phát biểu chỉ đạo tại hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thiếu tướng Đoàn Minh Lý, Hiệu trưởng Trường Đại học ANND cho biết: Hiện nay, có nhiều cách tiếp cận, nhận thức khác nhau về an ninh phi truyền thống. Tây Nam Bộ là vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước với những đặc điểm đáng chú ý, gồm: Hội tụ đầy đủ các yếu tố về biên giới, biển, đảo; tập trung nhiều dân tộc, tôn giáo đặc trưng; vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp, thủy sản của cả nước.

Thời gian qua, phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm ANTT vùng Tây Nam Bộ đạt kết quả khá toàn diện. Tuy nhiên, địa bàn này đã, đang và sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng, tác động tiêu cực của nhiều yếu tố, trong đó nổi lên là các thách thức, mối đe dọa an ninh phi truyền thống, như: Hạn hán, nước biển dâng, ngập mặn, sụt, lún, sạt lở; những yếu tố đe dọa an ninh từ hướng biển, khu vực biên giới; an ninh tôn giáo, dân tộc; an ninh công nhân; tội phạm xuyên quốc gia nghiêm trọng. Đặc biệt, đồng bằng sông Cửu Long là một trong ba vùng trên thế giới được đánh giá sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của vấn đề biến đổi khí hậu...

hoi2.jpg -0
Các đại biểu tham dự hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung trọng tâm, như: Những vấn đề chung và công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng ngừa, ứng phó các mối đe dọa, thách thức an ninh phi truyền thống vùng Tây Nam Bộ; nhận diện các mối đe dọa, thách thức an ninh phi truyền thống vùng Tây Nam Bộ; lực lượng vũ trang nhân dân với nhiệm vụ phòng ngừa, ứng phó các mối đe dọa, thách thức an ninh phi truyền thống vùng Tây Nam bộ; phương hướng, giải pháp phòng ngừa, ứng phó các mối đe dọa, thách thức an ninh phi truyền thống vùng Tây Nam Bộ; kinh nghiệm của các địa phương trong phòng ngừa, ứng phó các mối đe dọa, thách thức an ninh phi truyền thống...

hoi3.jpg -0
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cùng các đại biểu tại hội thảo.

Kết luận buổi hội thảo, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng, đánh giá: Hội thảo có ý nghĩa chính trị, khoa học sâu sắc; thể hiện sự nhạy bén khoa học; chủ động, sáng tạo trong quán triệt, thực hiện quan điểm chỉ đạo của Đảng về gắn kết phát triển kinh tế, xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh ở một địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Ban Tổ chức đã nhận được 107 tham luận của các đơn vị, địa phương, cán bộ, nhà khoa học và biên tập, lựa chọn sử dụng làm tài liệu. Các tham luận đã bám sát chủ đề, bảo đảm tính khoa học, toàn diện, đa dạng về lĩnh vực, vấn đề, địa bàn, góc tiếp cận; nhiều tham luận có hàm lượng khoa học cao, có tính mới và chuyên sâu. Điều này cho thấy sự tâm huyết, trách nhiệm của các đồng chí lãnh đạo, cán bộ thực tiễn, các nhà khoa học tham gia Hội thảo.

Thứ trưởng Lê Quốc Hùng, đề nghị: Để góp phần phòng ngừa, ứng phó với các mối đe dọa, thách thức an ninh phi truyền thống vùng Tây Nam Bộ, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, bộ, ngành, cơ quan, đơn vị từ trung ương đến địa phương trong tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân, nhất là vùng Tây Nam Bộ về các mối đe dọa, thách thức an ninh phi truyền thống.

Đối với các ban, bộ, ngành ở trung ương, cần tiếp tục quan tâm quán triệt, thực hiện hiệu quả các quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Nghiên cứu, kiến nghị với Chính phủ có cơ chế, giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhất là thành lập các tiểu ban làm đầu mối điều phối theo ngành, lĩnh vực và tiểu vùng trong thời gian tới.

Đối với Công an các cấp, nhất là các tỉnh, thành phố Tây Nam Bộ, cần nhận thức đầy đủ, đúng đắn vai trò, trách nhiệm của lực lượng CAND trong phòng ngừa, ứng phó với các mối đe dọa, thách thức an ninh phi truyền thống; nắm chắc, đánh giá, dự báo chính xác tình hình, phân loại các thách thức an ninh phi truyền thống để chủ động phương án, kịch bản phòng ngừa, ứng phó thích hợp. Đẩy mạnh đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch lợi dụng các vấn đề an ninh phi truyền thống chống phá Đảng, Nhà nước, ANTT...

CAND