Cổng thông tin điện tử

CÔNG AN TỈNH HÀ TĨNH

Người dân cần cảnh giác trước thủ đoạn giả danh cơ quan tư pháp gọi điện lừa đảo

Công an Hà Tĩnh liên tiếp ngăn chặn nhiều vụ việc các đối tượng giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện cho người dân hăm dọa, yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản để lừa đảo, chiếm đoạt.


Công an xã Sơn Tiến (Hương Sơn) giải thích, tuyên truyền về hình thức lừa đảo qua mạng cho ông Nguyễn Văn Sơn.

Cách đây 3 tuần, ông Nguyễn Văn Sơn (tên đã được thay đổi, SN 1964, trú xã Sơn Tiến, huyện Hương Sơn) nhận được cuộc gọi từ một người đàn ông tự xưng là cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh.

Vị “cán bộ công an” này thông báo ông Sơn có liên quan tới một vụ vi phạm pháp luật khi thông tin cá nhân, số điện thoại của ông bị các đối tượng xấu lợi dụng để đăng ký tài khoản ngân hàng với mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ông Sơn được yêu cầu “khai báo” toàn bộ thông tin về tài khoản, sổ tiết kiệm và buộc phải chuyển 400 triệu đồng, nếu không “sẽ bị bắt để phục vụ công tác điều tra”.

Do trước đó đã được công an địa phương cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên thay vì chuyển tiền, ông Sơn đã trình báo sự việc với Công an xã Sơn Tiến. Lực lượng công an xã xác nhận đây là vụ việc lừa đảo qua mạng, tránh cho ông Sơn rơi vào bẫy của các đối tượng xấu.


Thông báo giả mạo các đối tượng sử dụng để đánh vào tâm lý của người bị hại nhằm thực hiện hành vi lừa đảo.

Một tháng trước, cũng trên địa bàn huyện Hương Sơn, ông Trần Văn Nam (tên đã được thay đổi, SN 1954, trú xã Sơn Trường) nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ. Ở đầu dây bên kia, một người đàn ông tự xưng là cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội và thông báo ông Nam liên quan tới vụ mua bán trái phép chất ma túy. Và để “chứng minh mình trong sạch”, ông Nam cần phải chuyển số tiền 50 triệu đồng.

Nghi ngờ đây là hành vi lừa đảo, ông Nam đã trình báo sự việc tới Công an xã Sơn Trường. Sau khi được lực lượng công an xã tuyên truyền, giải thích đây là một trong những thủ đoạn lừa đảo qua mạng, ông Nam may mắn không bị rơi vào bẫy của đối tượng lừa đảo.


Một số chiêu trò lừa đảo phổ biến hiện nay mà các đối tượng sử dụng để lừa tiền người dân.

Thời gian qua, trên địa bàn Hà Tĩnh đã xảy ra khá nhiều vụ việc người dân, nhất là những người lớn tuổi, bị các đối tượng, nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng với nhiều thủ đoạn tinh vi.

Có những người may mắn được lực lượng công an giúp đỡ, không bị lừa tiền nhưng cũng có không ít người rơi vào bẫy lừa đảo, mất hàng chục, hàng trăm triệu đồng, thậm chí gần 1 tỷ đồng như trường hợp của hiệu trưởng một trường tiểu học ở huyện Cẩm Xuyên vào tháng 3 vừa qua.

Giả mạo lực lượng công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện thông báo nạn nhân đang liên quan đến một vụ án nghiêm trọng như buôn ma túy, gây tai nạn bỏ trốn, vi phạm pháp luật... là một trong những kịch bản lừa đảo đang được nhiều đối tượng, nhóm đối tượng xấu sử dụng, lừa tiền của người dân “nhẹ dạ cả tin”.

Khi nạn nhân cho biết mình không liên quan hoặc không phải là tội phạm được nói đến, các đối tượng lừa đảo yêu cầu cung cấp thông tin để xác minh hoặc nói rằng, có thể thông tin cá nhân của nạn nhân bị lợi dụng, yêu cầu nạn nhân làm theo hướng dẫn để “phục vụ công tác điều tra, xử lý”, từ đó dẫn dụ nạn nhân làm theo những yêu cầu đưa ra.

Để người dùng dễ dàng “sập bẫy”, các đối tượng thực hiện các cuộc gọi lừa đảo chủ yếu đánh vào tâm lý sợ hãi của người dân, yêu cầu “phải giữ bí mật, không được nói với ai khác”. Khi lo sợ, người dân chuyển tiền vào tài khoản do các đối tượng cung cấp và bị chiếm đoạt.

Dù đã có không ít vụ việc lừa đảo kiểu này và lực lượng công an, ngành chức năng thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo nhưng số lượng nạn nhân vẫn không ngừng tăng lên do những thủ đoạn ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp.


Cán bộ Công an xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà vừa ngăn chặn một vụ giả danh công an gọi điện lừa đảo 80 triệu đồng của một người dân trên địa bàn

Thiếu tá Bùi Anh Việt – Phó trưởng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Hà Tĩnh) cho hay: Người dân cần lưu ý rằng, lực lượng chức năng nếu làm việc với người dân sẽ có giấy mời, giấy triệu tập gửi cho người đó và làm việc trực tiếp tại các trụ sở cơ quan, không làm việc online qua mạng.

Để tránh “sập bẫy” loại tội phạm này, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng công an các cấp, quan trọng nhất vẫn là ý thức phòng ngừa, cảnh giác của người dân. Mọi người phải hết sức thận trọng, bình tĩnh trước những thông tin đe dọa, uy hiếp, phải dứt khoát từ chối làm việc qua điện thoại.

Người dân không nên công khai các thông tin cá nhân trên mạng xã hội; không cung cấp số tài khoản, mã OTP, thẻ tín dụng, thông tin cá nhân cho bất kỳ ai; không làm theo hướng dẫn như bấm phím số trên máy điện thoại, xác minh số điện thoại, không ấn vào những đường link giả mạo.


Lực lượng công an và cán bộ ngân hàng khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo qua mạng ngày càng tinh vi.

Trường hợp nhận được cuộc gọi tự xưng là công an, viện kiểm sát, tòa án, phải yêu cầu gửi giấy mời hoặc giấy triệu tập hợp lệ đến công an địa phương nơi mình cư trú. Khi có nghi vấn, phải báo cho người nhà biết và thông báo cho cơ quan công an gần nhất để xử lý.

Người dân cũng cần thường xuyên cập nhật thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, đồng thời tuyên truyền đến người thân, bạn bè về các thủ đoạn lừa đảo, để tránh mắc bẫy của loại tội phạm này.

Quỳnh Chi - Trần Vương