Cổng thông tin điện tử

CÔNG AN TỈNH HÀ TĨNH

Nguyên nhân của tình trạng chống lại lực lượng CSGT đang thi hành công vụ

Chỉ trong khoảng thời gian 6 tháng trở lại nay, toàn quốc đã xảy ra 30 vụ chống lại lực lượng CSGT thi hành công vụ, làm 7 CBCS bị thương, đã phối hợp bắt giữ, xử lý 36 đối tượng. Quý I năm 2022 xảy ra 8 vụ (tại TP Hà Nội, Điện Biên, Thanh Hóa, Nam Định, Gia Lai, Thừa Thiên Huế, Đắc LăK và Đồng Tháp) làm bị thương 1 CBCS đã bắt giữ xử lý 7 đối tượng. Đặc biệt trong thời gian gần đây xảy ra một số vụ lái xe dương tính với ma túy khi bị kiểm tra đã chống đối quyết liệt, bỏ chạy trên đoạn đường dài, chèn ép xe cảnh sát, gây tai nạn giao thông rồi bỏ chạy. Nguyên nhân của tình trạng chống lại lực lượng CSGT có nhiều và tập trung ở một số điểm sau:

- Công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe trong thời gian qua bị buông lỏng. Một bộ phận không ít lái xe thiếu đạo đức nghề nghiệp, cố tình vi phạm luật giao thông. Khi bị kiểm tra, kiểm sóat thì manh động, chống đối, chửi bới, lăng mạ lực lượng làm nhiệm vụ.
- Do chế tài xử phạt vi phạm hành chính về TTATGT thời gian gần đây có mức xử phạt tăng cao đối với nhiều hành vi vi phạm, dẫn đến việc đối tượng vi phạm chống đối quyết liệt nhắm trốn tránh việc bị xử lý.
- Quy định của pháp luật về xử lý hành vi chống lại người thi hành công vụ còn nhẹ chưa đủ sức răn đe. Nhiều vụ chống lại lực lượng CSGT đáng lẽ phải xử lý bằng hình sự nhưng lại được các cơ quan tiến hành tố tụng cho xử lý hành chính dẫn đến đối tượng vi phạm nhờn luật làm mất đi tính giáo dục, răn đe, phòng ngừa.
- Các hành vi chống lại lực lượng CSGT thường gặp hiện nay: không xuất trình giấy tờ; cãi lại CSGT cho rằng mình không vi phạm; chửi bới, lăng mạ, dọa dẫm, thách thức lu loa gây sự chú ý của khách qua đường và người dân xung quanh; Lôi kéo, giằng co, xô đẩy CSGT nhằm cướp lại giấy tờ, phương tiện đang bị tạm giữ; Sử dụng hung khí hoặc dùng tay chân đánh CSGT; Lao xe vào lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ làm cho CBCS CSGT phải nằm lên nắp ca bô hoặc phải nhảy bám vào cần gạt mưa, gương chiếu hậu nhưng lái xe vẫn không dừng lại mà tìm mọi cách lạng lách, đánh võng nhằm hất CSGT xuống đường để tẩu thoát; Chèn ép xe CSGT khi bị bám theo gây nguy hiểm cho lực lượng làm nhiệm vụ và người tham gia giao thông; Khóa cửa xe tự ý bỏ đi bất hợp tác; Quay ngang xe giữa đường gây ùn tắc giao thông.
Đặc biệt thời gian gần đây xuất hiện tình trạng nhiều đối tượng vi phạm đòi kiểm tra chương trình, kế hoạch tuần tra kiểm soát của lực lượng CSGT. Sử dụng phương tiện kỹ thuật như máy quay, máy ảnh, điện thoại thông minh, chụp lại, ghi lại và phát trực tiếp trên mạng xã hội gây bức xúc cho người dân.
- Qua tổng hợp, phân tích, đánh giá cho thấy: trình độ người vi phạm luật giao thông không chỉ gồm những người ít học, ít hiểu biết về pháp luật, trình độ văn hóa thấp mà phần lớn là người có trình độ từ PTTH trở lên, đại học, sau đại học có nhận thức và am hiểu pháp luật nhưng coi thường, thiếu ý thức thượng tôn pháp luật. Thành phần người vi phạm bao gồm các loại nghề nghiệp như: lao động tự do, công nhân, nông dân, sinh viên, trí thức, lực lượng, vũ trang … Không ngoại trừ có cả một số người có chức vụ, địa vị trong xã hội nhưng ý thức chấp hành pháp luật, văn hóa giao thông vẫn còn hạn chế.
Thực tiễn cho thấy tâm lý của người vi phạm khi bị lực lượng CSGT xử lý thường tìm đủ mọi lý do để xin được bỏ qua vi phạm. Trốn tránh, né chốt, bỏ chạy, đưa tiền mãi lộ, một số khác manh động, coi thường pháp luật tìm mọi cách để chống đối lại lực lượng làm nhiệm vụ.
Khi nhìn lại các vụ việc chống đối lực lượng CSGT trong thời gian qua, chúng tôi thấy rằng cán bộ, chiến sỹ CSGT vẫn còn bộc lộ những tồn tại, yếu điểm đó là: Một bộ phận cán bộ, chiến sỹ CSGT không nắm rõ các quy định của pháp luật cũng như nhiệm vụ, quyền hạn của CSGT nói riêng, CAND nói chung. Do vậy khi thi hành công vụ gặp các đối tượng chống đối thường trở nên lúng túng, không biết cách để xử lý, xử lý không dứt khoát, không có biện pháp cưỡng chế ngay từ ban đầu do vậy để vụ việc kéo dài gây phức tạp tình hình. Hoặclơ là, thiếu tập trung, mất cảnh giác để đối tượng lợi dụng tấn công. Chưa sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ của ngành đặc biệt là chưa tranh thủ được sự ủng hộ của quần chúng nhân dân. Mặc dù đã được trang bị đầy đủ vũ khí, công vụ hỗ trợ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ nhưng khi đi làm nhiệm vụ lại không mang theo hoặc mang không đầy đủ, ý thức rèn luyện thân thể, quân sự vũ thuật yếu. Một số khác lại không chấp hành nghiêm quy trình, chế độ công tác, làm việc qua loa, đại khái, bỏ qua vi phạm vô hình chung đã tạo nên ý thức coi thường pháp luật của người tham gia giao thông.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Công an một số đơn vị còn ngại dư luận, sợ kiện cáo. Khi có vụ việc xảy ra chưa tìm hiểu, xác minh làm rõ đã vội vàng tạm đình chỉ công tác, thậm chí điều chuyển cán bộ có liên quan gây nên dự luận không tốt ảnh hưởng tâm lý chung của CBCS CSGT là ngại va chạm, đấu tranh.
Hiện nay để làm giảm tình trạng người vi phạm chống đối lại lực lượng CSGT lãnh đạo Bộ Công an, Ban Giám đốc CAT và đặc biệt là đồng chí Giám đốc Công an tỉnh có nhiều ý kiến chỉ đạo sát sao, cụ thể đến lực lượng CSGT trong toàn tỉnh. Ngoài việc bồi dưỡng thường xuyên kiến thức nghiệp vụ, pháp luật, chính trị, quân sự vũ thuật và đặc biệt là văn hóa ứng xử cho lực lượng CSGT. Phải ưu tiên trang bị cho lực lượng tuần tra kiểm soát đầy đủ vũ khí, công vụ hỗ trợ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để thi hành công vụ. Đổi mới phương pháp tuần tra kiểm soát, khai thác sử dụng triệt để hệ thống xử phạt nguội, giảm bớt số lượng CBCS trực tiếp ra đường tuần tra. Áp dụng kinh nghiệm của CSGT các nước tiên tiến nhất là trong công tác tuần tra kiểm soát, áp dụng khoa học công nghệ trong thời đại 4.0 vào công tác tuần tra kiểm soát nhằm công khai minh bạch, rõ ràng và có sự giám sát thường xuyên của quần chúng nhân dân đối với công tác tuần tra xử lý vi phạm.
Đối với các trường hợp không hợp tác, không xuất trình giấy tờ, cự cãi với lực lượng làm nhiệm vụ, hoặc đòi kiểm tra chương trình kế hoạch công tác của CSGT. Nếu đã được giải thích chu đáo, cặn kẽ, rõ ràng mà vẫn không chấp hành thì phải cưỡng chế ngay không để tụ tập thành đám đông gây nên dư luận xấu. Các đối tượng chửi bới, lăng mạ, dọa dẫm, thách thức, vu khống nhằm chống lại CSGT. Tổ chức lôi kéo, tụ tập, giằng co, xô đẩy CSGT nhằm cướp lại giấy tờ, phương tiện đang bị tạm giữ; khóa cửa xe bỏ đi, quang ngang xe giữa lòng đường gây ùn tắc giao thông, thì lực lượng CSGT phải sử dụng ngay vũ lực để kịp thời khống chế các đối tượng và đưa về đơn vị Công an nơi gần nhất để tiếp tục điều tra xử lý theo quy định của Pháp luật.
Với các trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát mà chống đối dùng phương tiện, thiết bị kỹ thuật để quay phim, chụp ảnh, ghi thu lại, bình luận sai sự thật, vu khống nói xấu lực lượng làm nhiệm vụ và phát trực tiếp lên mạng xã hội thì tổ công tác CSGT phải hết sức bình tĩnh, giữ đúng tư thế, lễ tiết, tác phong trong suốt quá trình thực thi nhiệm vụ. Đồng thời cử ngay 01 đồng chí trong tổ công tác sử dụng thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đã được trang cấp ghi, thu lại cả quá trình diễn biến của vụ việc để làm chứng cứ, cơ sở pháp lý cho việc xử lý về sau. Đồng chí Tổ trưởng phải là người đứng ra trực tiếp đối thoại, giải thích, vận động, thuyết phục người vi phạm (phương pháp mềm dẻo, thái độ ôn hòa, nhã nhặn, giải thích rõ ràng ngắn gọn dễ nghe, dễ hiểu). Nếu đã giải thích vận động nhiều lần mà đối tượng vẫn manh động, ngoan cố không chấp hành thì gọi Công an xã, chính quyền địa phương nơi xảy ra vụ việc chứng kiến và lập biên bản vụ việc hành chính. Đồng thời báo cáo kịp thời cho Chỉ huy đơn vị xin ý kiến chỉ đạo phối hợp cùng Ban chỉ đạo CA35 – CAT để xử lý truyền thông.
Thời gian sắp tới tiếp tục tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội về quyền hạn, nhiệm vụ của CSGT để mọi người biết và tự giác chấp hành. Đề xuất lãnh đạo Công an tỉnh có ý kiến phối hợp chỉ đạo quyết liệt các cơ quan tiến hành tố tụng phải xử lý thật nghiêm đối với các trường hợp chống lại lực lượng CSGT khi có đủ yếu tố cấu thành tội phạm để răn đe, phòng ngừa.
Đối với lực lượng CSGT thực thi nhiệm vụ phải chấp hành nghiêm chế độ điều lệnh, quy trình công tác, việc dừng phương tiện để kiểm tra, kiểm soát phải đúng quy định của pháp luật, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho phương tiện được dừng, cán bộ chiến sỹ làm nhiệm vụ cũng như mọi người tham gia giao thông. Nghiêm cấm việc dùng phương tiện tuần tra để truy đuổi xe vi phạm hành chính, cấm cán bộ chiến sỹ nhảy, bám lên xe ô tô vi phạm hoặc đứng chắn trước đầu xe vi phạm để kiểm tra, kiểm soát.

 

Thượng tá Trần Xuân Sinh, Phó Trưởng phòng CSGT