Cổng thông tin điện tử

CÔNG AN TỈNH HÀ TĨNH

Tăng cường ứng dụng công nghệ phát triển nội dung đa nền tảng trong Truyền hình, Phát thanh CAND

Trong khuôn khổ Liên hoan Truyền hình, Phát thanh CAND lần thứ XIII – năm 2022, sáng 13/10, Cục Truyền thông CAND tổ chức Hội thảo Ứng dụng công nghệ trong phát triển nội dung đa phương tiện.

Thiếu tướng Đỗ Triệu Phong, Cục trưởng Cục Truyền thông CAND, Trưởng ban tổ chức Liên hoan chủ trì Hội thảo.

Cùng tham dự có các đồng chí lãnh đạo Cục Truyền thông CAND, đại diện các Phòng và Ban Giám đốc Truyền hình CAND (ANTV), lãnh đạo các ban thuộc Truyền hình CAND, khách mời và thành viên các Đoàn tham dự Liên hoan.

Thiếu tướng Đỗ Triệu Phong, Cục trưởng Cục Truyền thông CAND phát biểu khai mạc Hội thảo.

Tại Hội thảo, lãnh đạo Cục Truyền thông CAND, các diễn giả khách mời đã có những trao đổi thẳng thắn, cởi mở với lãnh đạo, CBCS Công an làm công tác tuyên truyền của Công an các đơn vị, địa phương xung quanh xu hướng công nghệ trong phát triển nội dung đa nền tảng; bảo mật; thực tiễn ứng dụng công nghệ trong phát triển nội dung đa nền tảng tại Việt Nam.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thiếu tướng Đỗ Triệu Phong cho rằng, thuật ngữ đa nền tảng được nhắc nhiều tại các hội thảo, đây cũng là xu hướng báo chí mà khán giả tiếp cận tin tức nhanh nhất trên tất cả các nền tảng, kỹ thuật số khác nhau. Cần khẳng định công nghệ và các phương tiện truyền thông mới không phải đối tượng gây hại cho truyền hình truyền thống mà đấy thật sự là nguồn bổ trợ sức mạnh tuyệt vời cho những người làm báo, làm truyền hình nếu chúng ta biết nắm bắt, biết tận dụng. Các ứng dụng luôn được cập nhập, được hoàn thiện. Từ việc nhà báo luôn phải phân loại tổng hợp số liệu bằng tay, thì hiện, với nhiều tòa soạn, trí tuệ nhân tạo Al đang làm thay việc này.

“Bigdata, Al và làn sóng Blockchain hiện nay... đã luôn sẵn sàng, miễn là chúng ta biết cách nắm bắt lấy nó, biến nó thành công cụ đắc lực trong quá trình sáng tạo nội dung. Công nghệ có phát triển đến đâu thì vẫn cần đến các nhà báo thẩm định nguồn tin, lên kế hoạch, triển khai các tuyến bài và chịu trách nhiệm trước công chúng. Sử dụng công nghệ thế nào? Làm chủ công nghệ ra sao để áp dụng hiệu quả vào việc sáng tạo nội dung trong hoạt động báo chí? Tất cả sẽ được giải đáp trong hội thảo này” - đồng chí Cục trưởng Cục Truyền thông CAND nhấn mạnh.

Các diễn giả khách mời phát biểu tại Hội thảo.

Theo Thiếu tướng Đỗ Triệu Phong, Đảng và Nhà nước đã và đang đặc biệt quan tâm đến chuyển đổi số trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong công cuộc chuyển đổi số, báo chí truyền thông đóng vai trò quan trọng, với sứ mệnh tuyên truyền đúng đắn, đầy đủ, kịp thời về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận, niềm tin xã hội, tạo nội lực để thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời, báo chí cũng là một lĩnh vực trong xã hội, sẽ phải tiến hành chuyển đổi số theo xu thế phát triển chung, thậm chí sẽ phát triển thành một ngành kinh tế truyền thông số.

Cục Truyền thông CAND hướng tới mục tiêu chuyển đổi số mạnh mẽ với “Tòa soạn hội tụ, nhà báo đa phương tiện”. Đây được xem là yếu tố căn bản tạo nên sức bật cho báo chí CAND. Tòa soạn hội tụ là hội tụ trong không gian làm việc, hội tụ trong phương thức tác nghiệp của nhà báo, hội tụ về nội dung, thúc đẩy công chúng nói – thúc đẩy công chúng cùng tham gia sáng tạo nội dung, làm chủ công nghệ trong từ khâu sáng tạo, đến phân phối nội dung đa nền tảng. Do đó mỗi nhà báo, phóng viên phải làm chủ công nghệ để kịp thời nắm bắt, lên án đấu tranh với các hành vi sai trái, các thế lực thù địch trên nhiều nền tảng số. Làm chủ công nghệ để nhanh chóng nhận diện các thủ đoạn tội phạm mới để kịp thời tuyên truyền hiệu quả. Làm chủ công nghệ để không lộ lọt thông tin, không lộ lọt bí mật công tác. Làm chủ công nghệ để kịp thời lan tỏa các tấm gương người tốt việc tốt; những đóng góp, hy sinh gian khổ của lực lượng Công an.

Diễn giả Trần Minh Trung, CPO Dự án Spacel MCV Group trình bày tham luận về “Xu hướng, giải pháp quản lý đa kênh và ứng dụng công nghệ vào quản lý và sản xuất nội dung”. Theo diễn giả Trần Minh Trung, khó khăn trong ứng dụng công nghệ vào sản xuất nội dung là phải duy trì đội ngũ biên tập viên trên từng nền tảng; đầu tư thiết bị cấu hình cao và không thể tối ưu việc khai thác nội dung do sự khác biệt trên các nền tảng. Chính vì thế, cần phải có công cụ biên tập video tự động với những tính năng hiệu quả như trích xuất video từ đa nền tảng; cắt, ghép video; thêm hiệu ứng chuyển cảnh; xóa logo; tùy chỉnh âm thanh video; tùy chỉnh khung video; tự động điều chỉnh tỷ lệ video theo platform.

Ngoài ra, cần phải chia sẻ nội dung. Trong đó, có thể chia sẻ khai thác nội dung đa nền tảng với hàng triệu video tương thích với từng nền tảng; chia sẻ kho ý tưởng xây dựng nội dung từ đội ngũ chuyên gia; chia sẻ cập nhật mới về chính sách nội dung trên từng nền tảng. Từ đó có thể tối ưu nguồn lực 60%, tối ưu chi phí 50%.

Diễn giả Bùi Vĩnh Khiêm, đại diện Công ty Cyber SSI trình bày tham luận về giải pháp “An toàn thông tin và chuyển đổi số”. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Cục An toàn thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông đã ghi nhận, cảnh báo về hướng dẫn xử lý 6.641 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, tăng 35,14% so với 6 tháng trước, tăng 37,92% so với 6 tháng đầu năm 2021. Thời gian gần đây, hiện tượng phát tán SMS lừa đảo người dùng truy cập vào các trang web giả mạo các ngân hàng lại tái diễn. Đáng chú ý, các đối tượng lừa đảo không chỉ sử dụng nhiều đầu số di động, mà còn fake SMS Brandname (tin nhắn thương hiệu) để gửi tin nhắn giả mạo nhằm thực hiện thủ đoạn lừa đảo. Hiện tại có khoảng 32 tên miền giả mạo các trang thông tin điện tử của các ngân hàng để lừa đảo.

Diễn giả Bùi Vĩnh Khiêm cho biết, để giải quyết những vấn đề nêu trên Công ty Cyber SSI có giải pháp BrandShield với các giải pháp về bảo vệ thương hiệu chủ động; công nghệ độc quyền với bigdata và hỗ trợ Al; hiện diện toàn cầu và sở giao dịch chứng khoán.

Diễn giả Nguyễn Văn Long, Giám đốc sản xuất Công ty Ninh An trình bày tham luận xoay quanh “Ứng dụng, phát triển nội dung đa nền tảng tại Kênh ANTV – câu chuyện thực tiễn và một số vấn đề đặt ra trong tương lai”. Theo đó, ANTV được phát trên truyền hình truyền thống. Từ cuối năm 2020, việc phát sóng truyền hình Analog đã dừng lại, thay thế bằng truyền hình số hóa, ANTV vẫn tiếp tục đến với khán giả qua các phương thức truyền tải mới. Hiện nay, ANTV đã có gần đủ các nền tảng phát sóng. Tuy nhiên, chưa liên kết các nền tảng này thành một hệ sinh thái tạo nên sức mạnh tổng thể, ghi dấu ấn trong lòng khán giả và phục vụ tốt nhất mục đích. Chưa xây dựng và khai thác hiệu quả dữ liệu lớn dùng chung kết nối cơ sở nội dung của các đơn vị thuộc Cục Truyền thông cũng như toàn bộ Phòng Công tác Đảng và Công tác chính trị của Công an 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, hoặc với các cục, viện, trường thuộc lực lượng CAND. Một số đơn vị trong Cục Truyền thông đã bắt đầu hội tụ sản xuất, phân phối đa kênh, nhưng nhìn chung chưa thống nhất áp dụng phương thức quản lý, điều hành cơ quan truyền thông theo mô hình hòa soạn hội tụ. Chưa phát huy đồng bộ sức mạnh của các hệ sinh thái trên ứng dụng công nghệ mới theo xu hướng hiện nay như: Tik Tok, Zalo, OTT... Hiện ANTV vẫn còn chưa xuất hiện trên nền tảng phát thanh online, hoặc chưa có một ứng dụng di động riêng để chủ động phát kênh của mình.

Các diễn giả khách mời của Hội thảo đã có tọa đàm. chia sẻ với CBCS Công an làm công tác tuyên truyền của Công an các đơn vị, địa phương xung quanh việc ứng dụng công nghệ trong phát triển nội dung đa phương tiện.

Để ANTV tiếp cận đông đảo người xem, đáp ứng tốt nhiệm vụ tuyên truyền được giao, cần có một số thay đổi như sau: Sản xuất nội dung phải phục vụ đa màn hình, đa nền tảng. Sản xuất nội dung thành một thương hiệu riêng, tạo thương hiệu cho một chương trình cụ thể tiến tới thương mại hóa. Thay đổi phương thức sản xuất, trong đó cần hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, xây dựng hệ sinh thái dùng chung cho toàn bộ các kênh truyền thông của Cục Truyền thông CAND tiến tới hội tụ sản xuất tập trung. Tích cực thực hiện chuyển đổi số. Có đầu tư thỏa đáng và liên tục đào tạo. Đồng thời, phải thay đổi bộ máy, tư duy, quy trình sản xuất cho phù hợp. Song song đó, cần hoàn thiện hệ thống kênh phân phối nội dung. Cùng với đó là cần phải thương mại hóa nội dung, quá trình sản xuất cần chia ra 2 dạng nội dung: nội dung thường nhật và nội dung “bom tấn”…

ANTV cũng hoàn toàn có thể quốc tế hóa nội dung. Khi quyết định sản xuất nội dung phải lựa chọn như thế nào để đáp ứng được cả khán giả nội địa và quốc tế. Xây dựng dữ liệu lớn dùng chung (Media Hub) để kết nối dữ liệu về ANTT trong toàn ngành CAND nhằm phục vụ công tác truyền thông; nhanh chóng đổi mới phương thức quản lý vận hành các đơn vị truyền thông trong Cục theo mô hình tòa soạn hội tụ nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, đưa công tác chỉ đạo, điều hành tác nghiệp đến tập trung, hiệu quả và nhanh chóng. Chuyển đổi số mạnh mẽ trong toàn bộ hoạt động để đạt mục tiêu cuối cùng: Đa màn hình, đa nền tảng, hướng tới phục vụ công chúng đa quốc gia; đa ngôn ngữ và đa nguồn thu.
Tại Hội thảo, các diễn giả: Phạm Ngọc Duy Liêm – COO đại diện Công ty Truyền thông – Công nghệ MCV Group; ông Nguyễn Văn Long – Giám đốc sản xuất Công ty Ninh An; ông Huy Nguyễn – Phó Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam; ông Lê Tấn Phước – Giám đốc điều hành đại diện Công ty Cyber SSI; ông Hoàng Minh Thành – Giám đốc phát triển dự án MCV Group; ông Trần Minh Trung – CPO Dự án Spacel MCV Group đã có cuộc tọa đàm, chia sẻ với CBCS Công an làm công tác tuyên truyền của Công an các đơn vị, địa phương về ứng dụng công nghệ trong phát triển nội dung đa phương tiện.

CAND