Cổng thông tin điện tử

CÔNG AN TỈNH HÀ TĨNH

Xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi)

Bộ Công an tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức và cá nhân đối với dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm trong giai đoạn hiện nay; áp dụng pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, bảo đảm thống nhất với các luật có liên quan.

Theo Bộ Công an, qua 5 năm tổ chức triển khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vũ khí (VK), vật liệu nổ (VLN) và công cụ hỗ trợ (CCHT), các bộ, ngành, UBND, Công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bộ Công an đã tham mưu với Chính phủ chỉ đạo, triển khai Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN và CCHT đạt nhiều kết quả tích cực, trong đó công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được tiến hành thường xuyên, rộng khắp, hiệu quả, qua đó đã nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý, sử dụng VK, VLN và CCHT. Kết quả trong 5 năm, toàn quốc đã vận động nhân dân giao nộp 99.689 khẩu súng các loại, 17.860 bom, mìn, lựu đạn, 423.390 viên đạn, 3.762.871kg thuốc nổ, 46.416 kíp nổ, 25.056 công cụ hỗ trợ, 98.895 vũ khí thô sơ, 6.801 linh kiện lắp ráp vũ khí.

1663899184848_09130623092022.jpg -0
Công an địa phương thu hồi súng tự chế, vũ khí, vật liệu nổ.

Bộ Công an với vai trò nòng cốt trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về VK, VLN và CCHT đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ triển khai quyết liệt, xuyên suốt, hiệu quả từ Bộ đến cơ sở (Công an cấp xã) nên tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến VK, VLN và CCHT đã được kiềm chế.

Kết quả trong 5 năm, toàn quốc đã phát hiện 34.109 vụ, bắt giữ 56.027 đối tượng, trong đó: Chế tạo trái phép 135 vụ, 197 đối tượng; mua bán trái phép 593 vụ, 812 đối tượng; vận chuyển trái phép 208 vụ, 251 đối tượng; tàng trữ trái phép 4.342 vụ, 5.659 đối tượng; chiếm đoạt trái phép 30 vụ, 30 đối tượng; trộm cắp 86 vụ, 91 đối tượng; sử dụng trái phép 28.715 vụ, 48.987 đối tượng (sử dụng các loại dao và phương tiện tương tự dao 16.841 vụ, 26.472 đối tượng); thu 4.975 khẩu súng các loại, 706.169 viên đạn, 321 lựu đạn, bom, mìn, 27.165,8kg thuốc nổ, 106.564 kíp nổ, 15.249 công cụ hỗ trợ, 28.023 vũ khí thô sơ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai, thực hiện Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN và CCHT đã phát sinh một số bất cập, hạn chế, vướng mắc do có những quy định của Luật không còn phù hợp, chưa đáp ứng được tình hình thực tế hiện nay của công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này. Tội phạm sử dụng súng tự chế, VK thô sơ, VK tương tự vũ khí thô sơ, dao và phương tiện tương tự dao gây án đang diễn biến rất phức tạp. Các đối tượng đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật để chế tạo, tàng trữ, mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép các loại súng tự chế, VK thô sơ, dao và công cụ, phương tiện tương tự VK thô sơ nếu không kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với các đối tượng trên sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh, trật tự.

Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN và CCHT đang có 30 điều quy định về thủ tục cấp các loại giấy phép, giấy xác nhận về VK, VLN, tiền chất thuốc nổ, CCHT. Để thực hiện cải cách, đơn giản hoá thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân thì cần thiết phải cắt giảm các loại giấy tờ trong hồ sơ thủ tục hành chính và thực hiện tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Bộ Công an. Bên cạnh đó, hiện nay, nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của các nước  cho, tặng, viện trợ một số loại VK, CCHT cho Việt Nam để phục vụ việc nghiên cứu, sản xuất hoặc trang bị cho các đối tượng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, tại Điều 5 Luật quy định nghiêm cấm việc trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố VK, VLN, CCHT.

Theo quy định tại các điều 21, 26 và 58 của Luật thì giấy phép sử dụng VK quân dụng, VK thể thao, CCHT có thời hạn 5 năm. Sau khi hết thời hạn cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải làm thủ tục cấp đổi. Một số loại CCHT được cấp giấy xác nhận đăng ký và không có thời hạn. Tuy nhiên, các loại VK, CCHT đã được cấp giấy phép sử dụng không có sự thay đổi về chủng loại, nhãn hiệu, ký hiệu, số hiệu và cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được trang bị, quản lý, sử dụng.

Hàng năm cơ quan quản lý, cấp phép thường xuyên kiểm tra việc thực hiện công tác quản lý, sử dụng đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được trang bị, sử dụng. Trong khi đó, việc cấp đổi giấy phép sử dụng phát sinh nhiều chi phí, thời gian, nhân lực; giấy phép sử dụng và giấy xác nhận đều là loại giấy phép do cơ quan quản lý cấp cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng để thực hiện nhiệm vụ với quy trình, thủ tục cấp tương tự như nhau. Một số quy định về nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, vận chuyển và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp tại các điều 37, 38, 39, 40, 42, 43 và 44 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ còn chưa phù hợp với thực tiễn nên quá trình triển khai thực hiện đã gặp khó khăn, vướng mắc...

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên, cần thiết phải nghiên cứu xây dựng Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN và CCHT (sửa đổi) nhằm đảm bảo phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức và người dân. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về VK, VLN, CCHT trong tình hình mới.

Theo đó, dự thảo Luật đã chỉnh lý, bổ sung một số nội dung nghiêm cấm mang trái phép VK, VLN, tiền chất thuốc nổ (TCTN), CCHT đến nơi công cộng; quảng cáo trái phép VK, VLN, TCTN, CCHT; che giấu, không tố giác, giúp người khác cải tạo, lắp ráp VK, CCHT; trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố VK, VLN, TCTN, CCHT hoặc linh kiện VK, CCHT, trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cho, tặng, viện trợ VK, CCHT phục vụ việc nghiên cứu, sản xuất, trang bị, sử dụng nhằm đáp ứng với yêu cầu quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm về VK, VLN, TCTN, CCHT trong tình hình mới.

Ngoài ra, dự thảo Luật quy định mới một số nội dung về sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu dao có tính sát thương cao; về thẩm quyền, điều kiện, thủ tục tiếp nhận và quản lý, sử dụng VK, CCHT do tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cho, tặng, viện trợ nhằm quản lý chặt chẽ các hoạt động này, không để tội phạm lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội, phòng ngừa, tránh các hoạt động lợi dụng nhằm mục đích xấu...

Toàn văn dự thảo Luật được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp trong thời gian 60 ngày kể từ ngày đăng (1/12/2023).

CAND